Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 30/10 cho biết kính thiên văn vũ trụ Kepler của NASA đã hết nhiên liệu và chấm dứt sứ mệnh "truy tìm" hành tinh trong vũ trụ sau 9 năm rưỡi hoạt động giúp phát hiện hơn 2.600 hành tinh.
Các chuyên gia cho biết kính thiên văn tự vận hành Kepler được phóng vào không gian năm 2009, đã phát hiện ra rằng có hàng tỉ hành tinh lẩn khuất trong vũ trụ, qua đó "cách mạng hóa" hiểu biết của nhân loại về vũ trụ.
Kính thiên văn Kepler giúp các nhà thiên văn học đo đạc các hành tinh tiềm tàng bằng cách quan sát đường đi hoặc thời khắc các hành tinh đi qua các ngôi sao của chúng.
Kính thiên văn Kepler cho thấy 20-50% các ngôi sao nhìn thấy được trên bầu trời vào ban đêm có thể có các hành tinh nhỏ, có thể bằng đá, kích thước tương đương Trái Đất và nằm bên trong vùng có thể sinh sống được của các ngôi sao mẹ của chúng, có nghĩa là ở những vị trí mà nước dạng lỏng - một thành phần quan trọng cho sự sống - có thể tích tụ trên bề mặt hành tinh.
Các chuyên gia NASA cho biết việc Kepler ngừng hoạt động không phải là bất ngờ. Các nhà khoa học đã quan sát được các dấu hiệu kính Kepler gần cạn nhiên liệu từ 2 tuần trước đây và đã lấy được toàn bộ dữ liệu từ kính thiên văn này gửi về Trái Đất trước khi hết nhiên liệu.
NASA cho biết đã quyết định cho kính thiên văn Kepler "nghỉ hưu" trên quĩ đạo hiện nay, an toàn và cách xa Trái Đất.
Nhà nghiên cứu Bill Borucki phụ trách sứ mệnh của kính thiên văn Kepler mô tả sứ mệnh này là một thành công lớn. Borucki nói :"Chúng ta đã chứng minh được rằng có nhiều hành tinh hơn các ngôi sao trong thiên hà của chúng ta".
NASA nhấn mạnh sứ mệnh của Kepler có thể kết thúc, song các phát hiện của kính thiên văn này sẽ còn được nghiên cứu trong nhiều năm tới.
Kính thiên văn vũ trụ truy tìm hành tinh thế hệ tiếp theo của NASA, TESS được phóng lên không gian hồi tháng 4 vừa qua sẽ quan sát được nhiều vật thể vũ trụ hơn là kính Kepler.
Kính thiên văn TESS sẽ tập trung vào các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời ở khoảng cách gần, trong phạm vi từ 30 đến 300 năm ánh sáng.
Kính thiên văn Kepler đã tìm ra 2.681 hành tinh ngoài hệ Mặt Trời. Tuy nhiên phần lớn các hành tinh ở quá xa và mờ nên không thể nghiên cứu thêm.
Một kính thiên văn vũ trụ hiện đại hơn nữa là James Webb dự kiến sẽ được phóng lên không gian năm 2021, sẽ có khả năng phát hiện nhiều hơn về khối lượng, tỉ trọng của các hành tinh và thành phần bầu khí quyển của chúng - những nhân tố giúp xác định khả năng duy trì sự sống trên hành tinh.
NASA cho biết :"Nhờ Kepler, những gì chúng ta nghĩ về vị trí của chúng ta trong vũ trụ đã thay đổi. Sứ mệnh của Kepler đã mở đường cho các sứ mệnh nghiên cứu các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời trong tương lai".