Trong số các phương tiện quan sát, phát hiện mục tiêu bằng mắt, ống nhòm được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quốc phòng-an ninh và phục vụ chỉ huy chiến đấu. Những tiến bộ khoa học-công nghệ, vật liệu mới đã và đang từng bước ứng dụng vào thiết kế, chế tạo ống nhòm thế hệ mới đa năng, cự ly phát hiện mục tiêu xa và độ phân giải hình ảnh cao hơn.
Ống nhòm công nghệ cao giải quyết hiệu quả những trở ngại về cự ly và khả năng quan sát mà ống nhòm quang học thông thường chưa thể đáp ứng. Được lắp các ống zoom kỹ thuật số, ống nhòm thế hệ mới có khả năng quan sát mục tiêu ở cự ly từ 2.000m đến 5.000m. Khi lắp thiết bị hồng ngoại, ống nhòm có thể quan sát ban đêm ở cự ly tới 1.500m. Lục quân Mỹ đã trang bị ống nhòm M-25 có độ phóng đại tới 14 lần và độ phân giải cực cao, cự ly quan sát hiệu quả 2.500m, cự ly tối đa 4.000m. Ống nhòm M-25 cho phép người sử dụng quan sát mục tiêu kích thước rất nhỏ như quả bóng gôn ở cách xa 2.000m. Quân đội Mỹ đã sử dụng loại ống nhòm nhìn đêm D-221G có chức năng thu hình ảnh theo chiều sâu, giúp người lính quan sát được hình ảnh mục tiêu rõ nét, cự ly quan sát trong đêm tối 225m. Quân đội các nước khối NATO trang bị ống nhòm nhìn đêm NVS-7 có độ khuếch đại ánh sáng lên tới 22.000 lần, sử dụng thiết bị hồng ngoại được đánh giá là quan sát ở những vùng tối “tuyệt đối”. Những năm gần đây, nước Nga cũng ưu tiên phát triển các loại khí tài nhìn đêm, trong đó có ống nhòm thế hệ mới ONV-4x, độ phóng đại 4 lần, cự ly quan sát đêm tối tới 400m và loại ống nhòm BNV-5x, độ phóng đại 5 lần, khả năng quan sát đêm ở cự ly 1.000m. Các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, I-xra-en, Nam Phi... cũng từng bước nghiên cứu phát triển, đưa vào trang bị cho quân đội các loại ống nhòm thế hệ mới.
Một số loại ống nhòm công nghệ cao như M-22, M-25 có nhiều tính năng tiên tiến, nhưng nhược điểm là chúng quá nặng. Ống nhòm M-22 nặng 1,142kg, ống nhòm M-25 nặng 2,23kg không phù hợp cho người lính mang xách cơ động. Hãng Nô-thrốp Grăm-mân đã nghiên cứu giảm trọng lượng, thiết kế, chế tạo ống nhòm M-24 có độ phóng đại 7 lần, cự ly quan sát hơn 3.000m, nhưng kích thước nhỏ đút vừa túi áo quân phục, nặng 567g. Lục quân Mỹ còn trang bị ống nhòm lắp kính nhìn đêm hình ảnh ba chiều HNV-3D, nặng 0,8kg. Quân đội Nga cũng chú trọng giảm nhẹ khối lượng cho các loại ống nhòm hiện đại, như ống nhòm BNV-5x nặng 0,75kg, ống nhòm ONV-4x nặng 0,65kg, các loại ống nhòm lắp kính nhìn đêm của các công ty Ka-dan, Ca-tốc JSC chỉ nặng từ 300g đến 500g. Ống nhòm thế hệ mới không chỉ gọn, nhẹ, mà còn được lắp nguồn điện nuôi, bảo đảm năng lượng hoạt động lâu dài. Ống nhòm M-24 sử dụng hai pin AA, thời gian hoạt động liên tục từ 8 đến 10 giờ. Ống nhòm D-221G sử dụng pin tiêu chuẩn, hoạt động liên tục 30 giờ. Đặc biệt, ống nhòm NVS-7 sử dụng nguồn pin, thời gian hoạt động liên tục từ 20 đến 50 giờ.
Xu hướng tích hợp ống nhòm với các thiết bị kỹ thuật số để nâng cao khả năng quan sát và định vị mục tiêu đang trở nên rộng rãi hơn. Loại ống nhòm nhìn đêm trang bị cho quân đội Đức D-2MS có độ phân giải cao, kết nối được với máy ảnh hoặc ca-mê-ra để quan sát mục tiêu trong điều kiện ánh sáng yếu. Ống nhòm D-2MS thiết kế gọn, nhẹ, có lắp bộ phận chống va đập, chống nước, cự ly quan sát đêm 800m. Ống nhòm gắn ca-mê-ra kỹ thuật số dựa trên công nghệ hiện đại nhất của Mỹ là loại Point N’View, có khả năng phóng đại 8 lần, ống kính 32mm, màn hình hiển thị LCD, độ phân giải 4.0 mega pixel. Ống nhòm tích hợp máy quay kỹ thuật số cho phép người sử dụng phóng to mục tiêu, nhìn hình ảnh rõ nét và ghi lại hình ảnh để xử lý tại trung tâm chỉ huy. Nhờ được tích hợp các thiết bị kỹ thuật số hiện đại, ống nhòm công nghệ cao thực sự trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả cho người chỉ huy và người lính trên chiến trường.
NGUYỄN TRẦN ĐỨC
Hiện tại chưa có ý kiến đánh giá nào về bài viết này. Hãy là người đầu tiên chia sẻ cảm nhận của bạn.