GPS (Global Positioning System) là hệ thống định vị toàn cầu có thể xác định tọa độ bất cứ vị trí nào trên Trái đất do Bộ Quốc phòng Mỹ thiết kế cho mục đích quân sự. Từ năm 1980, Chính phủ Mỹ cho phép sử dụng GPS vào các lĩnh vực dân sự, miễn phí với bất kể quốc tịch nào.
Hệ thống này gồm 27 vệ tinh nhân tạo, chạy bằng năng lượng mặt trời, chuyển động quanh Trái đất hai lần trong một ngày theo một quỹ đạo chính xác và phát tín hiệu xuống Trái đất. Bất cứ vị trí nào trên trái đất sẽ được tối thiểu ba vệ tinh nhìn thấy và máy thu tín hiệu GPS trên trái đất so sánh thời gian phát và nhận tín hiệu để tính được khoảng cách đến ba vệ tinh này, từ đó xác định được tọa độ của mình. GPS hoạt động suốt ngày trong mọi điều kiện thời tiết, với sai số khoảng 5 đến 10m (đây là cấp độ 3 mà chính phủ Mỹ cho phép trong dân sự).
GPS và công nghệ dẫn đường trên ôtô
Hiện nay, ngoài GPS duy nhất đã hơn 20 năm qua, Liên minh châu Âu đang tiến hành dự án hệ thống định vị Galileo. Hệ thống này do tổ chức phi quân sự điều hành, dự định sẽ chính thức hoạt động vào tháng 12-2011, cung cấp các dịch vụ với độ chính xác khác nhau tùy thuộc các đối tượng khác nhau.
Một hệ thống khác của Liên bang Nga là GLONASS (Global’naya Navigatsionnaya Sputnikovaya Sistema) cũng được xây dựng đã khá lâu cho mục đích quân sự, tuy nhiên vào thời điểm này số lượng vệ tinh vẫn chưa đủ để bao phủ toàn bộ bề mặt Trái đất. Tổng thống V. Putin đã yêu cầu hệ định vị toàn cầu này phải hoàn tất vào năm 2010 và cuối năm 2006, Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã thông báo trong tương lai GLONASS sẽ được ứng dụng cho dân sự.
GPSmile chọn điểm đến tại giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai và Hai Bà Trưng
Như vậy GPS của Mỹ hiện vẫn là hệ thống duy nhất được sử dụng khá phổ biến trên ôtô làm phương tiện dẫn đường ở các nước châu Âu, châu Mỹ và Úc. Hệ thống dẫn đường trên ôtô sử dụng một màn hình, một thiết bị thu phát sóng, một bản đồ số với đầy đủ thông tin dữ liệu đường phố, nhà cửa, cầu đường, sông ngòi, kênh rạch, rừng núi... xây dựng từ những khảo sát thực tế và kết hợp phần mềm xử lý để thể hiện sống động hình ảnh con đường, giúp người sử dụng xác định được vị trí xe trên bản đồ, biết lộ trình đường đi đến điểm được chọn, thông báo rõ số km cách điểm đến, vận tốc đang đi và vận tốc trung bình, báo đường cấm, đường một chiều...
Thông qua một trạm quản lý trung tâm các lái xe còn được thông báo điểm kẹt xe, có hỏa hoạn hay tai nạn gần đó không để tránh. Hiện nay, hãng GM đang nghiên cứu phát triển hệ thống giao tiếp giữa xe và xe, sử dụng GPS để các xe bắt tín hiệu với nhau, nhận biết khi có xe đến gần trong phạm vi nào đó. Hệ thống này sẽ hỗ trợ tốt cho xe khi chuyển làn đường, đỗ xe và di chuyển tại nơi đông đúc để tránh va chạm.